Tháng 6 - Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình.
Hiện nay, bạo lực gia đình đang là vấn nạn của xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Do đó, các cấp, các ngành cần đồng bộ vào cuộc để tìm ra biện pháp giải quyết nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Ngày 08/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 363/QĐ-TTg lấy tháng 6 hằng năm là “Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình” nhằm vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống bạo lực gia đình.
Theo đó, các hành vi bạo lực gia đình được thể hiện như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình....
Muốn phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả cần kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Để góp phần phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nạn nhân bạo lực gia đình cần yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình; Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình; Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nạn nhân bạo lực gia đình phải cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Dưới đây là một số thông điệp tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình:
(Nguồn: Ảnh từ internet)
* Thông điệp về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng trong gia đình:
- Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn;
- Yêu thương và chia sẻ để xây dựng hạnh phúc gia đình;
- Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực;
- Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em;
- Bạo lực gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn hiện nay;
- Bạo lực gia đình làm gia tăng các vụ án hình sự;
- Ngăn ngừa các hành vi bạo lực gia đình để xây dựng xã hội hạnh phúc;
- Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình;
- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
- Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật;
- Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được tố giác và xử lý nghiêm minh theo pháp luật;
- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội;
- Bạo lực gia đình vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người;